Danh Mục các phụ gia được sử dụng trong thực phẩm

Chương trình Nói không với thực phẩm bẩn hôm nay (7/3) tiếp tục câu chuyện về phụ gia thực phẩm. Trên thế giới hiện nay có trên 3000 loại phụ gia thực phẩm và ở Việt Nam cũng có đến hàng trăm loại được sử dụng. Tuy nhiên, theo khảo sát của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, 42% người kinh doanh và khoảng 68% người tiêu dùng không hiểu rõ về các loại phụ gia thực phẩm.

Danh mục của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay có đến hàng trăm chất quy định cụ thể về liều lượng của từng loại phụ gia. Đối với những chất này, khi sử dụng cũng chỉ được dùng ở mức nhỏ, dưới mức khuyến cáo của cơ quan y tế.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, những lo lắng các chất phụ gia dựa trên một số nhóm nhất định.

TS. Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm nhận định: “Nói rằng chất phụ gia không độc thì không đúng, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng. Chính vì thế, các nhà nghiên cứu phải tìm cách hạn chế lượng chất đi vào cơ thể, bởi không phải được dùng là dùng vô tội vạ. Người tiêu dùng và người sản xuất phải chú ý rằng chất phụ gia phải được giới hạn theo Bộ Y tế quy định”.

Một số chất phụ gia trong rượu bia và trái cây khô có chứa chất kịch thích gây ra cơn hen suyễn, đau nửa đầu. Các chất chứa NO2 trong thịt chế biến sẵn được xếp vào nhóm có thể gây ung thư cho người. Một số chất tạo màu thực phẩm thường được cho là sẽ gây ra tình trạng tăng động ở trẻ em.

Các nhà khoa học trên thế giới đưa ra khái niệm ADI – lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được. Như vậy, một hóa chất thông thường như muối ăn hay đường nếu sử dụng quá nhiều cũng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người sử dụng.

“Người tiêu dùng phải tự khống chế lượng ăn vào. Chúng ta phải hiểu phụ gia có 2 mặt là nồng độ được phép có trong thực phẩm và lượng ăn vào. Lâu nay ở nước ta, khái niệm lượng ăn vào không được quan tâm. Không ai giải thích khiến người tiêu dùng nhầm tưởng là chất phụ gia dưới nồng độ cho phép là có thể ăn thoải mái” – TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Ở tất cả các nước đều có danh mục phụ gia cho phép và liều lượng giới hạn tồn dư. Tuy nhiên, chính người tiêu dùng cũng nên ý thức rõ và tránh sử dụng liên tục bất kỳ loại thực phẩm nào trong thời gian dài để tránh gây hại cho sức khỏe.

Theo: http://danthucpham.vn/threads/danh-muc-cac-chat-phu-gia-duoc-phep-dung-trong-thuc-pham.11152/

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin